ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN YÊN SƠN TỔ CHỨC "HÀNH TRÌNH VỀ ĐỊA CHỈ ĐỎ"
Thực hiện chương trình công tác đoàn và phong trào thanh niên năm 2025, nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025) hướng tới chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, được sự nhất trí của Đảng ủy, Lãnh đạo Trung tâm Y tế Yên Sơn, lãnh đạo huyện đoàn Yên Sơn, ngày 22/3/2025, Đoàn cơ sở TTYT huyện Yên Sơn tổ chức hành trình về địa chỉ đỏ và địa chỉ văn hóa dân tộc, hoạt động giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam và làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia và nhiều hiện vật quý. Bảo tàng không chỉ đơn thuần là một công trình trưng bày về lịch sử chiến tranh, mà còn tạo một không gian chung để khách tham quan tương tác và trải nghiệm về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Bảo tàng hiện đang trưng bày theo 6 chủ đề: Chủ đề 1: Buổi đầu dựng nước và giữ nước; Chủ đề 2: Bảo vệ Độc lập dân tộc từ năm 939 đến năm 1858; Chủ đề 3: Chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc từ năm 1858 đến năm 1945; Chủ đề 4: Cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1945 đến năm 1954; Chủ đề 5: Cuộc kháng chiến chống Mỹ 1954 đến năm 1975; và Chủ đề 6: Xây dựng và bảo vệ đất nước sau 1975 đến nay. Tất cả chủ đề của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đều sắp xếp theo bố cục thời gian hợp lý, ở mỗi hiện vật đều được chú thích cụ thể các sự kiện lịch sử liên quan. Ngoài ra, bảo tàng còn trang bị màn hình tra cứu thông tin giúp đoàn viên thanh niên tìm hiểu thêm về các trận chiến và các nhân vật lịch sử.
Buổi chiều cùng ngày, đoàn đã tham quan Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam thuộc Đồng Mô, Sơn Tây, Tp Hà Nội, là nơi tái hiện những giá trị văn hoá đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam. Tại đây đoàn đã được nghe giới thiệu về đời sống văn hóa, sinh hoạt của các dân tộc trên khắp đất nước. Mỗi dân tộc mang trong mình một nét đẹp riêng, tạo nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng với nhiều sắc thái, vẻ đẹp riêng.
Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc; hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững: Yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan, hiếu học, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung, tại làng dân tộc Thái, đoàn được tiếp xúc và tìm hiểu những giá trị truyền thống của các dân tộc Thái, Dao, Tày, Hmông, Mường... Trong đó, Thái một trong những dân tộc thiểu số lớn nhất cả nước. Người Thái ở Việt Nam có hai nhóm chính: Thái Trắng và Thái Đen cư trú chủ yếu ở một số tỉnh như Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An. Nhắc đến dân tộc Thái là nhắc đến những điệu xòe, hát thơ, đối đáp giao duyên trong những ngày lễ hội...
Tiếp nối chương trình giao lưu văn hóa, đoàn đã dừng chân tại làng Gia Rai, tiếp xúc, thăm hỏi với bà con các dân tộc cư trú ở Trường Sơn, Tây Nguyên như Banar, Ê Đê, M'Nông, Cơ Tu, Raglai... Sau đó chủ và khách cùng múa xoang trước nhà rông.
Đại diện của bà con cho hay: Nhà rông trong quan niệm của người đồng bào Tây Nguyên là biểu tượng của tính cộng đồng, có giá trị quan trọng với đời sống tinh thần cũng như đời sống tâm linh. Đối với người dân tộc Gia Rai, nhà rông được xem là cốt cách, là linh hồn của cả buôn làng vì vậy việc xây dựng nhà rông, di dời hay tu sửa là công việc hệ trọng của cả làng, phải cùng ý nguyện và có sự nhất trí cao, có khi kéo dài hàng tháng, chuẩn bị hàng năm mới có thực hiện.
Không gian của dân tộc Khmer có ngôi chùa Khmer, không khác gì những ngôi chùa ở Trà Vinh, Sóc Trăng. Bên cạnh đó là ngôi nhà sàn, hiện đang có nhóm bà con Khmer trông nom, giới thiệu. Tại đây, đoàn đã được xem những bộ trang phục cầu kỳ của người phụ nữ, màu sắc rực rỡ cùng những hạt cườm, kim sa lấp lánh. Đoàn đã được thưởng thức những tiết mục văn nghệ truyền thống của dân tộc Khmer rất sống động, hấp dẫn mang theo những triết lý nhân sinh sâu sắc.
Đoàn đến thăm Quần thể Tháp Chăm, khám phá vẻ đẹp hùng vĩ cũng như chiêm ngưỡng nghệ thuật xây tháp tuyệt vời của đồng bào Chăm. Quần thể tháp Chăm tại đây được xây dựng với tỷ lệ 1/1 với tháp Po Klong Garai tại Ninh Thuân. Đây là một trong những cụm tháp Chăm hùng vĩ và đẹp nhất còn lại ở Việt Nam, phụng thờ vua Pô Klong Garai. Tháp Pô Klong Garai là một tổng thể gồm ba tháp: tháp chính, tháp lửa, tháp cổng. Công trình này có trình độ kiến trúc, nghệ thuật, điêu khắc đạt đến đỉnh cao.
Chuyến đi không chỉ mang lại những hiểu biết sâu sắc về lịch sử, mà còn thắp lên trong lòng mỗi đoàn viên niềm tự hào dân tộc và ý chí phấn đấu. Được đặt chân đến những địa danh mang ý nghĩa lịch sử, mỗi người đều thấy mình trưởng thành hơn, mở rộng kiến thức lịch sử, bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, là dịp để các bạn học hỏi, giao lưu và phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc. Đây thực sự là một hoạt động bổ ích, góp phần giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, giúp đoàn viên thanh niên hiểu hơn về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước
Hành trình về nguồn khép lại nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng mãi trong tâm trí mỗi người. Những hình ảnh, những câu chuyện lịch sử không chỉ là quá khứ, mà còn là kim chỉ nam để thế hệ trẻ hôm nay noi theo và tiếp bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.